Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Làm cơm tấm siêu đơn giản, ngon chuẩn vị cơm tấm Sài Gòn

Làm cơm tấm siêu đơn giản, ngon chuẩn vị cơm tấm Sài Gòn

Nhắc đến cơm tấm, chắc hẳn ai cũng biết món ăn này nổi tiếng ở Sài Gòn. Đến Sài Gòn du lịch, du khách kể cả người nước ngoài cũng thường hay trải nghiệm cơm tấm Sài Gòn. Món ăn nấu từ gạo đặc biệt là gạo tấm. Thêm vào đó là các nguyên phụ liệu khác như thịt, sườn, chả,…

Món ăn này thực sự rất ngon, chỉ cần một đĩa cơm tấm là đủ dinh dưỡng của một bữa ăn chính rồi. Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu với các bạn vài nét về cơm tấm cũng như cách làm cơm tấm tại nhà.

Cơm tấm là gì? Tại sao cơm tấm lại là đặc sản của Sài Gòn?

Tại sao gọi tên là cơm tấm?

Các bạn chắc cũng tò mò cơm tấm là gì? Món ăn này hình thành từ đâi? Mình sẽ chia sẻ để các bạn hiểu thêm về cơm tấm.

“Tấm” là phần gạo bị vỡ ra từ hạt gạo nguyên lành. Có thể trong quá trình xay xát, vận chuyển hoặc thu hoạch sẽ làm cho hạt gạo không còn nguyên bản, phần đầu hạt gạo bị tách vỡ ra .Ngày nay nhờ có máy móc có thể phân tách được hạt gạo còn nguyên và hạt gạo tấm. 

Tấm này dùng nấu cơm như gạo bình thường, chỉ có điều là hạt nhỏ hơn, cái tên “cơm tấm” cũng vì thế mà xuất hiện trong từ điển ẩm thực Việt Nam.

Cơm tấm và cơm trắng thông thường có gì khác nhau?

Về mặt dinh dưỡng, tấm là phần phôi đầu hạt gạo bị tách ra nên thành phần dinh dưỡng giống như gạo trắng.

Gạo tấm có kích cỡ bé hơn gạo nguyên hạt, vì vậy nấu sẽ nhanh chín hơn, ăn mềm hơn và dễ dàng thẩm thấu các gia vị hay các món ăn kèm hơn với gạo trắng.

Người ta thường sử dụng gạo tấm để nấu cháo cho các bé nhằm tiết kiệm thời gian nấu cũng như giúp nấu cháo nhừ hơn.

Gao tấm có giá thành rẻ hơn với gạo trắng vì đã bị vỡ, nát. Những người thu nhập thấp, hay người Sài Gòn thế hệ xưa khi còn nghè thường để lại tấm trong nhà để nấu cơm ăn, còn gạo trắng đẹp sẽ đem bán.

Cơm tấm có gì ngon mà lại hấp dẫn du khách và nổi tiếng ở Sài Gòn?

Các tín đồ mê ẩm thực vẫn hay truyền tai nhau câu nói “Cơm tấm Sài Gòn như Phở Hà Nội”. Cũng là một cách nhấn mạnh rằng cơm tấm là món ăn đặc trưng của Sài Gòn.

Sách báo ẩm thực quốc tế từng công bố cơm tấm Sài Gòn nằm trong danh sách một trong 40 món ăn đặc sản của Việt Nam

Có thể thấy rằng, cơm tấm được bạn bè quốc tế biết đến, thích thú và công nhận, thật là một niềm tự hào của ẩm thực Việt Nam.

Cơm tấm

Giữa lòng Sài Gòn hoa lệ lại có một món ăn hết sức giản dị, gần gũi mà có sức hút mạnh mẽ khiến ai đặt chân đến nơi này cũng đều muốn thưởng thức.

Cơm tấm có rất nhiều loại, nào cơm tấm sườn bì chả, cơm tấm chả trứng muối, cơm tấm thịt nướng, cơm tấm xá xíu…

Mỗi món này đặc trưng đều nấu bằng gạo tấm và kết hợp với các nguyên liệu khác nhau. Mỗi loại đều có hương vị riêng, hấp dẫn và kích thích trí khám phá của du khách.

Học cách làm cơm tấm sườn bì chả như người Sài Gòn

Nói về cơm tấm Sài Gòn, có lẽ cơm tấm sườn bì chả là phổ biến đặc sắc nhất. Bởi lẽ món ăn này là sự kết hợp giữa nhiều loại nguyên liệu, rất hòa quyện ngon và hấp dẫn.

Cùng mình tìm hiểu xem làm cơm tấm sườn bì chả có dễ không, cách ướp thịt nướng cơm tấm hay cách ướp sườn cơm tấm như thế nào để có món ăn chuẩn vị nhất.

cách làm cơm tấm

Công thức làm cơm tấm

In

Phục vụ: 4 Thời gian chuẩn bị: Thời gian nấu ăn:
Giá trị dinh dưỡng: 200 calories 20 chất béo
Đánh giá: 5.0/5

( 1 bình chọn )

Chuẩn bị

  • Gạo tấm
  • Thịt nạc vai: 4 lạng
  • Sườn cốt lết: 3 lạng
  • Trứng gà: 4 quả
  • Bì lợn 2 lạng
  • Thịt xay 50gr
  • Miến
  • 50gr
  • Ớt, mộc nhĩ, hành khô
  • Gia vị: Tỏi hành khô, mật ong, đường, giấm, dầu mè, hạt tiêu, dầu hào, nước mắm, muối
  • Các loại rau ăn kèm: dưa chuột, xà lách, cà chua…

Hướng dẫn

Bước 1: Nấu cơm tấm

Sử dụng gạo tấm, vò sạch rồi cho vào nồi cơm điện nấu như bình thường.

Bước 2: Làm bì thịt

  • Bì lợn cạo lông, rửa sạch, rồi luộc sơ với nước sôi. Vớt bì ra, thả vào chậu nước đá lạnh 10 phút rồi vớt ra để ráo. Sau đó thái bì lợn thành sợi nhỏ dài.
  • Thịt nạc vai chia làm 2 phần, rửa sạch để ráo. Ướp thịt với 2 thìa nước mắm, tỏi băm nhỏ, 1 thìa muối, 2 thìa đường, ½ thìa tiêu xay. Thời gian ướp khoảng 4 giờ.
  • Khi ướp xong sẽ cho phần thịt này lên chảo với dầu nóng đun. Đun cho nước sốt thịt cạn dần, thịt chín vàng đều hai mặt thì lấy ra cắt sợi nhỏ.
  • Cho thịt, bì lợn và thính vào một tô lớn trộn đều là có phần bì thịt ngon cho món cơm tấm sườn bì chả.

Bước 3: Nướng sườn cốt lết và cách ướp thịt nướng cơm tấm chuẩn vị

  • Sườn cốt lết mua về rửa sạch, trần qua nước sôi rồi để ráo nước.
  • Hành, tỏi bóc vỏ băm nhỏ.

Cách ướp thịt nướng cơm tấm :

  • Dùng dụng cụ đập thịt chuyên dụng nhà bếp, đập phần thịt sườn cho mềm, đây là một bước trong cách ướp thịt nướng cơm tấm đúng, vì thịt sườn đập càng mềm thì khi ướp sẽ càng ngấm gia vị ăn sẽ có độ ngon chuẩn.
  • Các gia vị sử dụng ướp thịt: cho 1 thìa tiêu xay, hành tỏi băm mỗi thứ 1 thìa, 2 thìa mật ong, 2 thìa dầu hào, 1 thìa nước mắm, 1 thìa dầu mè, 1 thìa muối vào ướp với thịt sườn cốt lết đã đập mềm.
  • Thời gian ướp thịt ít nhất là qua đêm. Nếu có định làm cơm tấm sườn bì chả thì bạn nhớ ướp thịt sườn này từ đêm hôm trước nhé. Để hôm sau lấy ra làm món ăn sẽ ngon, đậm đà ngấm gia vị vừa ăn.
  • Khi đã ướp đủ thời gian, lấy thịt ra và nướng. Có thể dùng lò nướng để khoảng 40 phút mức nhiệt 180 độ C là vừa. Nếu không có lò nướng các bạn nướng trên than hoa cũng rất thơm ngon. Khi nướng nhớ lật mặt thịt và phết phần nước sốt đều để thịt ngấm và ngon.

Bước 4: Làm chả trứng cho món cơm tấm sườn bì chả

  • Mộc nhĩ, miến rửa sạch rồi ngâm nước ấm cho mềm. Mộc nhĩ băm nhỏ, miến cắt khúc ngắn.
  • Cho thịt nạc xay vào một bát, cho mộc nhĩ, miến và hành băm nhỏ vào trộn đều. Đập vào bát này thêm 3 quả trứng gà. Một quả lấy lòng trắng, lòng đỏ để lại để tạo màu bề mặt miếng chả. Thêm vào một 1 thìa muối, một thìa đường, 1 thìa nước mắm. Trộn đều hỗn hợp này cho trứng tan, gia vị ngấm.
  • Cho bát chả trứng lên hấp cách thủy trong 30 phút. Phần lòng đỏ 1 một quả trứng đánh tan, đổ đều lên bề mặt bát chả trứng và hấp tiếp 10 phút nữa là chín mềm.
  • Lấy chả trứng ra cắt miếng vừa ăn.

Bước 5: Làm nước mắm chấm.

Cách làm nước mắm cơm tấm tuân theo tỷ lệ sau:

  • 1 thìa giấm, 3 thìa đường, 3 thìa nước mắm, 3 thìa nước lọc. Hòa tan hỗn hợp này rồi đun sôi trên lửa nhỏ. Để nguội sau đó nên thêm giấm, và nước mắm cho vừa ăn hoặc tùy khẩu vị mà thay đổi.
  • Ớt rửa sạch, cho vào nồi nước đun sôi cho ớt chín mềm. Sau đó dùng thìa dầm quả ớt cho nát nhỏ ra. Cho chảo lên bếp với chút dầu ăn, phi thơm tỏi băm, cho thêm vào 1 thìa đường, 1 thìa giấm và đun sôi 5 phút. Để sốt ớt này nguội rồi đổ chung vào bát nước mắm khuấy đều. Như vậy là hoàn thành phần nước mắm cơm tấm sườn bì chả đúng điệu.

Bước 6: Trang trí cơm tấm sườn bì chả và thưởng thức.

Cà chua, dưa chuột rửa sạch gọt vỏ, thái lát mỏng.

Dùng đĩa nông to, xới một phần cơm tấm bằng một bát nhỏ úp ngược vào một góc của đĩa.

Thêm sườn cốt lết, chả trứng, bì thịt mỗi thứ một phần xếp gọn vòng quanh đĩa. 

Đặt bát nước mắm cơm tấm vào giữa. Trang trí thêm cọng mùi và thưởng thức thôi.

Yêu cầu món ăn: 

Cơm tấm sườn bì chả phải có phần cơm dẻo thơm, mềm hạt gạo. Sườn cốt lết mềm ngọt, thịt nướng chả trứng thơm và nước mắm đậm đà. Màu sắc trang trí đẹp mắt với rau quả tươi.

cách làm cơm tấm

Các phiên bản được biến tấu trong cách làm nước mắm cơm tấm

Ngoài cách làm nước mắm cơm tấm như vừa nêu trên. Còn có rất nhiều cách làm khác để có nước mắm ngon, theo khẩu vị và lựa chọn của mỗi người. Điểm qua một số loại nước mắm cơm tấm ngon dưới đây: 

Nước mắm cơm tấm từ nước cốt chanh

Thay vì dùng giấm như cách thông thường, nếu không thích độ gắt của giấm và muốn tạo mùi thơm thì có thể thay thế bằng chanh để pha chế. Chỉ cần lưu ý cho nước cốt chanh vào bước cuối cùng, tránh đun trên lửa sẽ làm nước chấm bị đắng.

Nước mắm cơm tấm ngon khi thêm bột năng

Cách làm tương tự nước mắm cơm tấm truyền thống, chỉ thêm một bước là cho bột năng vào bát nước sôi khuấy chín đều, sau đó cho bột năng này vào bát nước mắm với các gia vị để tạo ra một loại nước sốt sánh mịn ăn cơm tấm ngon tuyệt vời.

Dùng nước dừa làm nước mắm cơm tấm 

Loại nước mắm này có các thành phần giống nước mắm bình thường. Tuy nhiên muốn tạo độ ngọt vừa phải và mùi thơm thì thêm vào nước dừa, đun sôi với nước mắm và đường để có bát nước mắm đặc trưng mùi dừa tươi.

Nếu như bún đậu mắm tôm là đặc sản đặc trưng của Hà Nội, thì cơm tấm là một đại diện món ăn phổ biến của Sài Gòn. Nói như vậy để thấy mỗi miền tổ quốc Việt Nam đều có những đặc sắc riêng mà chỉ cần nhắc đến là người nghe đã biết đang nói đến vùng miền nào. 

Bài viết của mình đã chia sẻ với các bạn về cơm tấm. Nếu như bạn chưa từng đặt chân đến Sài Gòn, chưa thưởng thức trực tiếp món cơm tấm nơi đây thì hãy tham khảo công thức làm cơm tấm mình chia sẻ trong bài viết.

Mình hy vọng các bạn sẽ vận dụng tốt cách làm món này để đổi bữa cho gia đình bạn, giúp các thành viên có cơ hội trải nghiệm với món vừa lạ vừa hấp dẫn.

Chúc các bạn thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *