Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Cách làm bánh cuốn dẻo thơm, nóng hổi đơn giản tại nhà cho bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng

Cách làm bánh cuốn dẻo thơm, nóng hổi đơn giản tại nhà cho bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng

Bữa sáng ăn gì là điều mà nhiều người đặc biệt là các mẹ nội trợ phải mất nhiều thời gian suy nghĩ. Muốn có một bữa sáng đủ dinh dưỡng, an toàn mà nhanh chóng nhưng chưa có được ý tưởng gì thì các bạn hãy theo dõi bài viết nhé.

Mình sẽ chia sẻ với các bạn cách làm bánh cuốn đơn giản tại nhà cho bữa sáng nóng hổi, ấm bụng để tràn đầy năng lượng cho ngày dài.

Bánh cuốn có nguồn gốc như thế nào?

Món bánh cuốn ở Việt Nam là sản phẩm từ nền kinh tế thuần nông thời kỳ trước. Sản xuất lúa gạo là công việc chính của mỗi gia đình ở các miền nông thôn cũng từ đây người nông dân đã sáng tạo ra các món từ gạo.

Điển hình những loại bánh được tạo ra từ lúa gạo như bánh tẻ, bánh đúc, bánh trôi, bánh bột lọc, bánh rợm. Cách làm bánh cuốn là một trong số đó. 

Bánh cuốn truyền thống từ lâu đã là món mà ai cũng biết và từng ăn. Ngày nay bánh cuốn càng phổ biến và lan truyền trên mọi miền tổ quốc với nhiều phiên bản khác nhau.

Bánh cuốn phản ảnh những văn hóa lâu đời của người Việt Nam

Món bánh cuốn trước tiên là sản phẩm từ gạo tẻ. Gạo là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trong thập kỷ trước. Đã có thời kỳ Việt Nam đứng top về xuất khẩu lúa gạo trên thế giới. Chính vì vậy món bánh cuốn thể hiện được hình ảnh của đất nước Việt Nam trong truyền thống sản xuất nông nghiệp.

Bánh cuốn là tổng hòa món ăn rất hài hòa về mùi vị, nguyên liệu mang ý nghĩa về âm dương ngũ hành. Điều này nằm ở thành phần món ăn là thịt, tôm là yếu tố “dương”, rau xanh là hành, nấm biểu thị yếu tố “âm”.

Màu sắc của các nguyên liệu thể hiện ngũ hành gồm 5 màu cơ bản là trắng, xanh, vàng, đỏ, đen. Cách làm bánh cuốn này làm cho món ăn mang nét đặc trưng thể hiện được phần nào văn hóa về ẩm thực đặc sắc của Việt Nam.

Bánh cuốn có những điểm gì đặc sắc, khác biệt các loại bánh khác.

Cũng là bánh cuốn sử dụng lớp bột gạo cuốn các nguyên liệu bên trong nếu bánh xèo dùng phương pháp chiên thì cách làm bánh cuốn lại dùng phương pháp hấp.

Bánh cuốn có phần vỏ từ bột gạo mịn, dẻo và rất mỏng, bên trong là nhân mặn từ thịt băm, hành, mộc nhĩ rất vừa vặn. Bánh cuốn khi ăn vị béo ngậy, mùi thơm cùng phần nước chấm chua ngọt cực kỳ hấp dẫn.

Bánh cuốn miền Bắc, miền Trung và miền Nam có gì khác nhau

Bánh cuốn có nhiều cách làm và hương vị khác nhau tùy theo từng vùng miền. Ở mỗi nơi bánh cuốn lại có những nét đặc sắc riêng mang màu sắc của từng địa phương. Dọc theo mọi miền tổ quốc từ Bắc vào Nam món bánh cuốn đã có hành trình biến đổi rất đáng lưu tâm.

Bánh cuốn miền Bắc mà nổi tiếng nhất là bánh cuốn Thanh Trì nức tiếng gần xa mà ai cũng muốn thưởng thức. Với đặc điểm phần vỏ bánh mềm mỏng, nhân thịt thơm lừng với hành khô giòn thơm ăn với các loại chả lụa, chả cốm và nước chấm thần thánh tạo ra món ăn hấp dẫn ngay lần đầu ăn thử.

Bánh cuốn miền Trung còn có cái tên là bánh ướt. Cách làm bánh cuốn của người miền Trung thường làm nhân bánh từ tôm với các loại rau và gia vị quen thuộc.

Bánh cuốn miền Nam thì gần giống như bánh cuốn Bắc Bộ tuy nhiên thường hay kết hợp với các loại rau sống như dưa leo, húng quế…

Điểm danh một số loại bánh cuốn nổi tiếng hấp dẫn khách du lịch

Mỗi nơi, mỗi địa danh sẽ có những cách làm bánh cuốn khác nhau tạo nên thương hiệu bánh cuốn khác lạ đặc biệt theo từng nơi. Có thể kể ra một số loại bánh cuốn điển hình sau:

Bánh cuốn nóng Hà Nội

Hà Nội ngoài các món như bún đậu mắm tôm, chả cốm, bánh mì thì bánh cuốn Hà Nội cũng là một đặc sản. Bánh cuốn Thanh Trì Hà Nội lâu nay được biết đến là món nổi tiếng mà mọi người vẫn tìm mua hoặc đến để thưởng thức.

Cách làm bánh cuốn Thanh Trì cho vỏ mỏng trong suốt, mềm thơm hòa quyện với nhân bánh béo ngậy, đậm đà các gia vị và nước chấm chua ngọt ăn một lần thôi là nhớ mãi.

Bánh cuốn chan Cao Bằng

Người Cao Bằng có cách làm bánh cuốn độc đáo, khác biệt và rất ấn tượng. Thay vì cách làm nước chấm bánh cuốn chua ngọt thông thường hò sẽ làm nước chan. Nước chan bánh cuốn ninh từ xương ống của loại lợn đen miền núi. Nước xương nêm gia vị nhạt vừa phải để chan với bánh cuốn.

 Bánh cuốn có nhân thịt và không thêm mộc nhĩ hay hành khô như bánh cuốn Hà Nội. Ngoài ra có thể thay thế nhân bánh bằng trứng lòng đào ăn với giò nóng hổi vô cùng hợp vào mùa đông.

Bánh cuốn Thanh Hóa

Miền đất Thanh Hóa có cách làm bánh cuốn độc đáo sử dụng tôm tươi lột bỏ để làm nhân bánh. Tôm được chọn là tôm to hoặc vừa nhưng phải tươi ngon, lột sạch vỏ và băm nhỏ cùng thịt lợn và gia vị.

Phần nhân này xào chín sẽ có vị ngọt của thịt tôm và mùi vị đặc trưng. Ai đến Thanh Hóa chắc chắn không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức món ăn này.

Cách làm bánh cuốn
Bánh cuốn

Cách làm bánh cuốn bằng chảo siêu nhanh

In

Phục vụ: 4 Thời gian chuẩn bị: Thời gian nấu ăn:
Giá trị dinh dưỡng: 200 calories 20 chất béo
Đánh giá: 5.0/5

( 1 bình chọn )

Chuẩn bị

  • Gói bột bánh cuốn pha sẵn: 200gr
  • Thịt lợn xay nhỏ: 200gr
  • Mộc nhĩ: 50gr
  • Hành tím: 10 củ
  • Rau ăn kèm: tía tô, húng quế
  • Chả lụa, chả thịt
  • Gia vị: Hạt nêm, muối, nước mắm, giấm, chanh, tiêu
  • Dụng cụ: chảo chống dính, muỗng, dao,..

Hướng dẫn

Bước 1: Pha bột làm bánh cuốn

Đổ 1 nửa gói bột bánh cuốn pha sẵn vào 1 tô lớn, thêm vào 500ml nước, 1 thìa dầu ăn khuấy đều để bột tan hết và để bột nghỉ trong 30 phút.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu làm bánh cuốn

Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng. Các loại rau thơm nhặt sạch rửa và để ráo nước.

Mộc nhĩ ngâm nước ấm 30 phút, vớt ra rửa lại thật sạch rồi cho lên thớt băm nhỏ.

Thịt mua về rửa sạch để ráo thái miếng nhỏ rồi băm nhuyễn hoặc cho vào máy xay nhỏ.

Bước 3: Xào chín nhân bánh cuốn

Cho chảo lên bếp, đun dầu nóng phi thơm hành tím. Hành tím giòn vàng thì vớt ra thấm dầu.

Cho thịt xay và mộc nhĩ vào xào với gia vị 1 thìa hạt nêm, nửa thìa muối, 1 thìa đường. Xào nhân thịt này chín thì tắt bếp.

Bước 4: Tiến hành cách làm bánh cuốn bằng chảo

Cho chảo chống dính lên bếp đun lửa nhỏ, quét dầu ăn thành 1 lớp mỏng theo lòng chảo. Dùng thìa múc một lượng bột bánh đủ 1 lòng chảo và mỏng. Lắc chảo nhẹ để bột dàn đều, đậy nắp chảo lại trong 30 giây. Cách làm bánh cuốn bằng chảo các bạn nhớ dùng chảo có chống dính cao, lòng chảo to vừa phải.

Quét 1 lớp dầu ăn vào một chiếc mâm hoặc thớt sạch. Bánh chín thì đổ bánh ra mâm. Tiếp tục lại đổ bột bánh vào chảo và đậy nắp để làm những chiếc bánh tiếp theo.

Trong thời gian đợi bánh trong chảo chín, các bạn thực hiện cách làm bánh cuốn cho chiếc bánh đã đổ ra mâm. Cho 1 thìa nhân bánh xào chín vào rải đều mặt bánh. Khéo léo cuộn chiếc bánh vào làm sao cho phần nhân nằm trọn trong lá bánh mỏng manh.

Làm tương tự cho đến khi hết bột bánh.

Bước 5: Pha chế nước chấm bánh cuốn

Món bánh cuốn có ngon và đậm đà đúng vị hay không còn cần có nước chấm ngon nữa. Cách làm nước chấm bánh cuốn rất đơn giản.

Cho 1 nồi nhỏ lên bếp, cho vào nồi 3 thìa đường vào đun cho đường tan ra. Cho thêm chút nước dừa tươi nếu có. Sau đó thêm 1 thìa dấm, 2 thìa nước mắm vào đun cùng. 

Đun sôi nước mắm rồi tắt bếp. Nước mắm nguội vắt thêm nửa quả chanh, thêm ớt tươi cắt lát vào và nêm lại theo khẩu vị. Hoàn thành cách làm nước chấm bánh cuốn sẽ làm cho món ăn thêm tròn vị, đậm đà khi thưởng thức.

Bước 6: Trình bày món ăn

Bánh cuốn tráng xong xếp ra đĩa, cắt làm 2 hoặc ba. Rắc hành phi lên trên.

Nước chấm đổ ra bát, thêm dưa góp chua ngọt và chả lụa hoặc chả thịt nướng. 

Rau thơm ăn kèm cho vào rổ nhỏ để ráo. Vậy là món ăn đã hoàn thiện.

Cách làm bánh cuốn chuẩn sẽ cho thành phẩm món bánh thơm ngon, mùi thơm dịu nhẹ của bột gạo. Nhân bánh vừa vặn, béo ngậy của thịt và giòn sần sật của mộc nhĩ. Nước chấm bánh cuốn chua ngọt dịu nhẹ, kèm với chả và thịt ăn với bánh sẽ tăng vị đậm đà, rất hấp dẫn khi ăn nóng.

Bật mí cách làm bột bánh cuốn truyền thống tại nhà

Nếu như băn khoăn về chất lượng của gói bột bánh cuốn, hoặc bạn muốn trổ tài tự làm ra bột bánh cuốn cho người thân thưởng thức thì cùng mình học hỏi ngay cách làm bột bánh cuốn truyền thống sau đây.

Nguyên liệu cần thiết

  • Gạo tẻ khang dân: 500gr
  • Bột năng: 1 thìa to
  • Nước lọc để xay gạo: 1 lít
  • Dụng cụ: Máy xay gạo, muỗng

Công đoạn làm bột bánh cuốn

Ngâm gạo

Để làm bột bánh cuốn ngon chuẩn các bạn hãy chú ý cách ngâm gạo làm bánh cuốn. Cho gạo vào chậu sạch, đổ nước ngập ngâm trong 4 giờ. Sau đó gạn bỏ nước, xả gạo lại cho sạch bụi bẩn rồi đổ ra giá để chuẩn bị xay.

Mách nhỏ

Cách chọn gạo làm bánh cuốn ngon, dẻo mịn và thơm các bạn hãy lưu ý chọn gạo được thu hoạch từ vụ trước. Đây là mẹo nhằm khi sử dụng làm bột bánh sẽ có độ nở khi làm không bị bết dính. Loại gạo thường được dùng phổ biến làm bột bánh cuốn là gạo khang dân.

Xay gạo làm bột nước

Cách làm bột bánh cuốn truyền thống thường là xay gạo bột nước. Cho gạo vào phễu của máy xay, dẫn nước, cắm điện để máy xay gạo thành bột nước. Có thể xay lại 2 hoặc 3 lần để được bột nước mịn nhỏ nhất khi làm bánh sẽ ngon không bị cặn.

Bột nước xay xong cho ra 1 chậu sạch, hòa tan thêm 1 thìa bột năng, 1 thìa muối là là xong.

Cách làm bột bánh cuốn truyền thống cho món bánh cuốn chỉ khác phần bột bánh này. Còn lại công đoạn hấp, lấy bánh và cuốn nhân thì làm tương tự như khi sử dụng bột bánh pha sẵn.

Vừa rồi là toàn bộ kiến thức về cách làm bánh cuốn cũng như những thông tin thú vị về món ăn này. Các bạn hãy áp dụng công thức của mình để có thể tự làm món ăn này tại nhà.

Còn gì tuyệt vời hơn nếu như bạn tự tay chuẩn bị bữa sáng với đĩa bánh cuốn nóng hổi, nhiều dinh dưỡng cho những người thân của bạn được thưởng thức. Chắc chắn bạn sẽ nhận vô vàn lời khen ngợi đó.

Hãy theo dõi web Thích Nấu Nướng thường xuyên để cập nhật thêm nhiều công thức nấu ăn tuyệt đỉnh nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *