Ngày giỗ là dịp để các thành viên trong gia đình tề tựu, sum vầy cùng thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên hay những người thân đã khuất. Là ngày giỗ nên một năm chỉ có một lần, chính vì thế thực đơn mâm cỗ ngày giỗ là điều rất cần chú trọng.
Mâm cỗ ngày giỗ thể hiện tấm lòng, thành ý của người làm với người đã ra đi. Làm sao để có một thực đơn ngày giỗ ngon, đẹp mắt để dâng cúng trên bàn thờ? Hãy theo dõi bài viết của mình dưới đây.
Nguồn gốc phong tục cúng ngày giỗ của người Việt Nam
Theo sử sách ghi lại, phong tục cúng giỗ có nguồn gốc Nho giáo. Nước Việt Nam xưa có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu trong xã hội phụ quyền. Tư tưởng Nho giáo được người Việt tiếp thu, trong đó ghi rõ sống phải lấy chữ “hiếu” làm đầu. Cũng từ đây, ngày giỗ được hình thành.
Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã thấm nhuần qua bao nhiêu thế hệ. Trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp được lưu truyền qua thời gian. Ông bà, cha mẹ, anh chị em, người thân hay thậm chí bạn bè đồng nghiệp đã qua đời, đều để lại trong tâm trí những người con, người cháu, những người ở lại một miền ký ức khó quên.
Để tưởng nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục, tưởng nhớ đến hình ảnh người ra đi, trong mỗi gia đình người Việt đều có một bàn thờ. Bàn thờ tổ tiên luôn là nơi trang trọng, thanh tịnh và đặt ở trung tâm của ngôi nhà. Trên bàn thờ thường có bát hương và di ảnh của người quá cố.
Đến những ngày quan trọng trong năm như lễ, tết, hay ngày giỗ, những thành viên trong gia đình thường tổ chức nấu mâm cỗ cúng giỗ để tỏ lòng thành kính, biết ơn và hồi tưởng về người đã khuất.
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn thực đơn một số món ăn phù hợp cho ngày giỗ.
Ý tưởng thực đơn mâm cỗ ngày giỗ
Mâm cỗ ngày giỗ thường không câu nệ hay có khuôn khổ nhất định. Tùy từng vùng miền, tùy điều kiện hoàn cảnh gia đình mà thực đơn có thể linh hoạt thay đổi cho phù hợp.
Miễn sao mâm cỗ có đủ những món cơ bản và thể hiện được cái tâm và tấm lòng của những người làm ra mâm cơm.
Thực đơn ngày giỗ miền Bắc có gì đặc biệt
Cũng như các phong tục ngày lễ, tết. Ngày giỗ người miền Bắc cũng có những món ăn đặc biệt xuất hiện trong thực đơn. Một thực đơn ngày giỗ ngon theo kiểu miền Bắc phải đảm bảo yếu tố đủ, đẹp.
Một thực đơn mâm cỗ ngày giỗ đủ gồm những món gì?
Thịt gà luộc
Đây là món bắt buộc phải có trong mâm cỗ ngày giỗ. Món gà luộc thường để nguyên con, khi thịt gà xong thường được buộc cánh, kẹp mỏ, phần nội tạng gà làm sạch và cho vào bụng con gà và luộc chín cùng.
Để con gà có tạo hình đẹp nhất dâng cúng lên bàn thờ, thì trước khi luộc thường dùng nghệ vàng tạo màu. Nghệ vàng xay nhỏ với chút nước. Xoa đều phần nước nghệ này lên con gà, để tầm 15 phút cho nước nghệ ngấm vào.
Sau đó mới đem gà luộc chín sẽ có màu vàng óng bắt mắt, thịt gà cũng thơm và giòn ngon.
Các loại xôi
Mâm cỗ cúng giỗ cũng không thể thiếu xôi. Có nhiều loại xôi thường được nấu như xôi đỗ xanh, xôi gấc, xôi ngô, xôi thập cẩm. Đặc điểm chung của các loại xôi là từ nếp dẻo, thơm. Nấu xong sẽ đổ khuôn để tạo hình đĩa xôi đẹp mắt.
Trứng luộc và cơm trắng với muối, gừng
Ông bà ta từ xưa quan niệm, nhất thiết phải có quả trứng luộc với bát cơm trắng trong mâm cỗ ngày giỗ.
- Bát cơm thường xới 2 bát và úp vào nhau. Cơm là thiết yếu của bữa ăn mang ý nghĩa là không để người quá cố bị thiếu thốn, đói khát. Nhất định phải có cơm thì mâm cỗ giỗ mới chuẩn và tròn đầy.
- Quả trứng: Từ sự tích Con rồng cháu tiên, trăm trứng trăm con đã lấy quả trứng làm hình ảnh tượng trưng. Nó mang ý nghĩa tiếp nối dòng dõi, thế hệ. Thế hiện lòng biết ơn, hướng về cội nguồn. Quả trứng gà luộc chín, bóc vỏ được để lên trên bát cơm bày trên bàn thờ.
- Gừng, muối: Bên cạnh bát cơm với quả trứng luộc còn có một đĩa muối và lát gừng nho nhỏ. Có câu “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” ngụ ý thể hiện tình cảm thiêng liêng của người ở lại dành cho người đã khuất.
Nem rán kiểu miền Bắc
Nem rán cũng là món phổ biến trong ngày giỗ của người Bắc. Nem rán làm từ thịt, trứng rau củ hay từ hải sản, nhân nem rán thơm phức, vỏ ngoài vàng ươm giòn tan.
Nem rán được cuộn thành từng chiếc và trang trí xen kẽ củ quả rất hấp dẫn, bắt mắt. Đây là món phù hợp để thắp hương trên bàn thờ ngày giỗ.
Canh măng hoặc canh mộc nấu chua
Trong thực đơn ngày giỗ miền Bắc thường có sự xuất hiện của món canh mộc chua hoặc canh măng.
- Canh măng nấu từ móng giò heo với măng khô ăn béo ngậy, nước canh măng rất ngọt ăn với cơm rất phù hợp.
- Canh mộc chua nấu với sườn non, dứa và rau thơm là món chống ngán sau khi ăn các đồ chiên rán hay hay ăn nhiều thịt.
Các món giò chả trong thực đơn mâm cỗ ngày giỗ
Thông thường trong mâm cỗ ngày giỗ còn có món giò chả. Có thể là giò lụa từ heo, bò, hay các loại giò nấm, giò tai ăn rất ngon, cắt khoanh đẹp mắt dễ bày biện. Chả thì thường cũng là chả bò, heo, chả quế.
Rau củ luộc
Rau củ luộc thường được sử dụng để dâng cúng là su su luộc, cà rốt, các loại rau theo mùa. Món rau củ luộc này giúp cân bằng dinh dưỡng mâm cỗ. Cung cấp chất xơ, vitamin và giúp giải nhiệt, chống ngán khi bạn ăn quá nhiều đồ đạm.
Các món gỏi, nộm
Ngày nay, khi xã hội phát triển hơn, mâm cỗ ngày giỗ truyền thống đã được bổ sung thêm những món khác trong đó có món gỏi, nộm. Thường là nộm sứa, nộm đu đủ, nộm tai heo, hoa chuối.
Hay có thêm những món gỏi như gỏi dê tái, gỏi cá sống. Điểm chung của những món này là kết hợp nguyên liệu chính với các loại rau, rau thơm và gia vị chua ngọt. Ăn món gỏi, nộm này giúp hệ tiêu hóa tốt hơn sau khi nạp nhiều đồ béo, đồ chiên rán.
Món tráng miệng
Sau bữa ăn quây quần sẽ có món tráng miệng là hoa quả. Thường là các loại quả theo mùa như dưa hấu, quýt, ổi, chuối. Những hoa quả này vừa bày biện rất đẹp trên bàn thờ, vừa là đồ ăn cuối bữa giúp thanh lọc cơ thể, bổ sung vitamin.
Điểm khác biệt trong thực đơn ngày giỗ 3 miền Bắc, Trung, Nam
Như bên trên vừa chia sẽ các món cơ bản trong mâm cỗ giỗ miền Bắc. Các bạn cũng có thể thấy rằng Mâm cỗ giỗ của người Bắc có một tiêu chuẩn nhất định vì miền Bắc vẫn coi trọng những tục lệ giỗ tết, tục lệ thờ cúng thể hiện tâm linh, thể hiện văn hóa truyền qua nhiều thế hệ.
Thực đơn mâm cỗ giỗ miền Bắc vẫn là thanh đạm nhất
Các món ăn có ý nghĩa riêng và bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Hương vị món ăn cũng nhẹ nhàng xen chút vị thanh chua, thường sử dụng phổ biến các rau củ đơn giản và thủy sản nước ngọt. Đặc biệt chú ý phần thẩm mỹ, bày biện trang hoàng trên bàn thờ. Điều này cũng rất quan trọng vì miền Bắc xem trọng hình thức hơn cả. Vì vậy mâm cỗ giỗ là tổng hòa các hương vị và bài trí thanh tao rất tinh tế.
Thực đơn ngày giỗ miền Trung
- Cũng như người Bắc, Người miền Trung cũng có phong tục cúng giỗ. Thực đơn cho ngày giỗ của miền Trung có phần khác so với miền Bắc. Là do khẩu vị miền Trung thường mặn và cay hơn.
- Các món ăn trong thực đơn ngày giỗ miền Trung có phần cầu kỳ hơn, theo phong cách cung đình của thời vua chúa xưa. Có 4 nhóm các món ăn chính trong thực đơn là món luộc, món canh, món xào và món chiên nướng.
Món canh bao gồm: Canh bún giò, canh khổ qua nhồi thịt, canh thịt hầm củ quả
Món xào như: su su xào, các loại đậu xào
Món luộc gồm: thịt dê luộc hoặc heo, gà luộc
Món chiên nướng: Giò chả chiên, hải sản tôm, mực, cá chiên, thịt heo chiên, nướng
- Đặc biệt có sự xuất hiện của các món chè và bánh. Người ta thống kê có đến vài chục loại chè thường mang màu sắc hấp dẫn, phong cách sang trọng như chè Đậu Ngự, chè Hạt Sen, chè Long Nhãn. Các món chè này bài trí tinh tế, hương vị ngọt ngào rất đặc trưng.
Thực đơn ngày giỗ miền Nam có gì đặc sắc?
Người miền Nam có phong cách sống khá phóng khoáng. Họ không quá câu nệ, cầu kỳ lễ nghi. Trong cuộc sống, người miền Nam cũng rất giản dị, gần gũi cởi mở.
Chính phong cách sống cũng ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực. Với người miền Nam thực đơn cho ngày giỗ cũng đơn giản với các món ăn thân thuộc dễ chế biến. Thường có những món như sau:
- Thịt kho, cá kho nước dừa. Đây là hai món đặc trưng của người miền Nam.
- Thịt heo hầm măng tre là một món canh trong mâm cỗ.
- Các món xào: sườn xào chua ngọt, hải sản xào.
- Món luộc: thông thường là thịt lợn ba chỉ luộc, thái miếng nhỏ.
Những điều cấm kỵ phải lưu ý trong việc chuẩn bị thực đơn ngày giỗ
Văn hóa thờ cúng rất tốt đẹp, thể hiện sự tinh tế trong văn hóa, người chuẩn bị, làm ra mâm cỗ ngày giỗ cần phải lưu ý một số điều không được làm, hay cần để tâm những vấn đề sau:
- Nếu trong gia đình có 3 bàn thờ ở 3 vị trí khác nhau, mẫm cố cúng vẫn phải giống nhau. không được làm mỗi bàn thờ một kiểu điều này tránh tuyệt đối.
- Không được bày món chưa nấu chín, những món sống lên bàn thờ.
- Bát cơm và quả trứng và con gà luộc phải đặt giữa mâm cỗ. Không được đặt xuống đất.
- Ngoài đồ ăn mặn, trên mâm cỗ cần bày thêm đĩa hoa quả tươi và chén trà.
- Trong các món ăn bày lên bàn thờ không nên cho tỏi vào.
- Không nếm đồ ăn trước khi đưa lên cúng.
Lên 5 mẫu thực đơn ngày giỗ đơn giản dễ áp dụng tại nhà
Thực đơn 1:
Món chính | Món tráng miệng |
Bò lúc lắc | Dưa hấu |
Gà hấp hành | |
Cá quả nướng | |
Gỏi gà rau răm | |
Ram tôm chiên |
Thực đơn 2:
Món chính | Món tráng miệng |
Chả giò | Thanh long |
Mực chiên xù | |
Ốc nhồi thịt | |
Gỏi bắp bò hoa chuối | |
Gà hấp muối | |
Rau củ luộc |
Thực đơn 3:
Món chính | Món tráng miệng |
Gà không lối thoát | Quýt ngọt |
Xôi chim | |
Canh chua sườn non | |
Bánh dày mặn | |
Của cải, mướp nhật luộc | |
Bò xào ngồng tỏi | |
Miến xào thập cẩm |
Thực đơn 4
Món chính | Món tráng miệng |
Vịt quay | Bánh flan |
Tôm chiên giòn | |
Gỏi hải sản với phồng tôm | |
Mực nhồi thịt hấp | |
Rau bắp cải luộc | |
Giò chả | |
Canh măng |
Thực đơn 5
Món chính | Món tráng miệng |
Gà quay | Quả roi |
Chả cốm chiên | |
Nộm ngó sen | |
Xôi gấc | |
Canh rong biển | |
Xà lách trộn dấm |
Trong bài viết này mình vừa giới thiệu thêm đến các bạn một nét đẹp văn hóa Việt Nam đó là văn hóa cúng ngày giỗ. Với những gợi ý thực đơn ngày giỗ mình tin các bạn đều có thể lựa chọn cho gia đình mình một thực đơn phù hợp nhất.
Hãy cùng các thành viên trong gia đình bạn chung tay nấu mâm cỗ ngày giỗ để tưởng nhớ những người đã khuất. Chắc hẳn bạn sẽ ghi điểm trong mắt mọi người bởi cái tâm và tay nghề thể hiện trong bữa cơm.
Chúc các bạn thành công!